Vượt qua cấm vận, ZTE quyết tâm tăng doanh số bằng chiêu mới!

Thời điểm nửa cuối năm 2015 và Quý I/2016 đánh dấu nhiều nỗ lực rõ rệt của ZTE, với tham vọng vươn lên chiếm lĩnh top trên trong làng sản xuất smartphone, không chỉ tại thị trường đại lục mà còn trên phạm vi thế giới.
Mới đây nhất, "người khổng lồ" ngành viễn thông Trung Quốc này đã hiện thực hóa chiến lược đó bằng một bước đi mới. Theo đó, ZTE Corporation dự kiến sẽ mở một loạt 23 cửa hàng cao cấp, chuyên bày bán các thiết bị điện tử tiêu dùng thế mạnh của hãng như smartphone, máy tính bảng và router.
Hãng hy vọng, tất cả các cửa hàng này sẽ hoàn thành và chính thức mở cửa vào cuối năm nay. Theo ông Adam Zheng – giám đốc điều hành mảng thiết bị di động của ZTE công bố thì, khoảng 20 cửa hàng trong số này sẽ nằm tại Trung Quốc, 3 cái còn lại sẽ đặt tại Đức, Nga và Mexico.
Ông Zheng cũng cho biết các cửa hàng này sẽ giúp công ty “nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu, đồng thời thúc đẩy doanh số tại các khu vực thị trường quan trọng nhất”. Năm ngoái, ZTE đã bán được 56 triệu chiếc smartphone và hãng đặt mục tiêu nâng con số này lên mức 70 triệu thiết bị vào năm nay.
ZTE tung ra thị trường các loại smartphone dưới các thương hiệu như Nubia và Axon. Tại Việt Nam, hãng này cũng giới thiệu các sản phẩm dòng Blade.
Tuy nhiên, không nhiều người dùng biết rằng thực tế phần lớn lợi nhuận của ZTE đến từ các loại điện thoại giá rẻ mà họ đóng vai trò là OEM gia công cho các mạng viễn thông, thường được bán cho khách hàng dưới dạng thiết bị kèm theo thuê bao trả trước tại các thị trường Trung Quốc, Châu Âu và Bắc Mỹ.
Cho dù ZTE đang muốn mở rộng mạng lưới phân phối thiết bị di động hơn bao giờ hết, nhưng trong tình hình thị trường tại Trung Quốc có nhiều dấu hiệu đã bão hòa, thì cũng rất khó để họ có thể đạt được các hợp đồng giá trị lớn từ các nhà mạng tại Mỹ - con đường gần như duy nhất để đặt chân vào thị trường khó tính này.
Riêng đối với mảng thiết bị di động, ZTE vẫn đang tăng trưởng thị phần một cách “chậm mà chắc”. Theo một báo cáo gần đây từ công ty dữ liệu IDC, hãng đang nắm 3.4% thị phần của các thiết bị cầm tay (trong đó có smartphone) trên toàn thế giới, tính trong vòng 3 tháng đầu năm nay.
Còn nếu nhìn vào bảng xếp hạng Top 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới (tính đến 1/2016), ZTE đang giữ vững được phong độ ấn tượng với 3 năm liền vừa qua ở vị trí số 10.
Mặc dù khởi đầu hơi muộn, nhưng mảng kinh doanh smartphone ZTE đang có một khoảng thời gian khá dễ chịu, trái ngược với thiết bị viễn thông - mảng kinh doanh chính hái ra tiền bây lâu nay của ZTE đang gặp phải nhiều vấn đề căng thẳng.
Một trong số đó là vụ việc với Ủy ban thương mại Hoa Kỳ, do ZTE bị quy kết là vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran. Dù ZTE tạm thời được hoãn thi hành án phạt cấm xuất khẩu, nhưng các nhà chức trách Mỹ đang tiếp tục điều tra các hoạt động kinh doanh của ZTE với các quốc gia nằm trong danh sách trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ.
Các diễn biến không lấy gì làm tốt lành diễn ra trong hành lang hậu trường và mang nhiều yếu tố chính trị hơn là kinh doanh thuần túy này, ít nhiều sẽ đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với ZTE.
Gian nan vẫn còn trước mắt thương hiệu “Made in China” này, nhưng với truyền thống và bề dày kinh nghiệm của một trong những người khổng lồ viễn thông lớn nhất thế giới, hãy cùng chờ xem ZTE có thể thoát ra khỏi thách thức và đột phá trong năm nay hay không?
Xem thêm:
- [Thương hiệu] ZTE: Lần trở lại với tham vọng dẫn đầu
- Smartphone đến từ Trung Quốc giành được giải thưởng lớn tại triển lãm IFA 2015
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.